Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

CÃI CHẦY CÃI CỐI


Hôm rồi mình và bà xã không ngủ được. Chẳng biết làm gì, đành chơi trò pillow talk. Bà xã bảo người phương Tây và người châu Á đều có những cái hay, cái mạnh, nếu học hỏi lẫn nhau thì perfect.
Quan điểm của mình khác. Trình độ ngang nhau thì mới nói học lẫn nhau, đàng này phương Tây đi trước, văn mình hiện đại, còn mình ăn lông ở lỗ, chân đất mắt toét có gì đáng hãnh diện. Thế giới đang là nơi Tây bầy đặt ra mọi luật lệ, kịch bản. Khôn ngoan nhất là mình học Tây một cách tối đa, còn cứ nghĩ Tây có cái hay của tây, Ta có cái hay của ta thì không khá lên được.

Trong trò chơi chầy cối, người ta bảo chỉ có chầy hỏng chứ cối không bao giờ việc gì. Mình không hiểu chầy tương trưng cho cái gì và cối miêu tả cái gì, một khi Cối không cho Chầy phát biểu cho hết một nửa còn lại của sự thật thì Chầy chỉ biết im.

May quá, có cái facebook, mình phải nói cho hết về suy nghĩ về chuyện này.
Cách đây 1000 năm chưa biết Tây hay Đông, ai hơn ai. Bây giờ Tây cũng chỉ hơn mình 1 điểm, đó là người Tây mạnh dạn tự tin, còn người châu Á quá nhút nhát. Từ nhút nhát sinh ra sĩ diện, ghen ghét, tệ hại hơn là dối trá và bạo lực.

Một điểm thôi nhưng lại có nguyên nhân sâu xa về lịch sử và địa lý. Văn minh phương Tây xuất phát từ vùng Địa Trung Hải. Đây là vùng biển hiền hòa, tàu thuyền đi lại dễ dàng, cư dân giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ dễ dàng giao lưu, gặp gỡ và trao đổi với nhau. Sau đó, người Tây Ban Nha, Bồ, Hà Lan, Anh, Bắc Âu đều rất giỏi nghề đi biển, vượt đại dương và vòng quanh thế giới, nên họ có những khám phá và phát kiến kỳ diệu, các ý tưởng được cọ sát thực tế, mở mang ra những chân lý mới. Trong khi đó, văn minh Phương Đông thiên về nông nghiệp, khép kín. Người Trung Quốc chỉ quanh quẩn 3 con sông, ít ra biển và giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Đến nay người châu Á đã đi du lịch nhiều, nhưng mỗi khi du lịch họ thường chui tọt vào khách sạn, còn người phương Tây thích du lịch bụi, làm Tây ba lô ít nhất vài lần trong đời nên họ am hiểu cuộc sống ở những vùng đất đã đến.

Cuộc sống thành thị và cuộc sống nông thôn khác nhau rất nhiều, đặc biệt về khía cạnh giao tiếp. Trung Quốc vừa mới đạt ngưỡng 50-50 về tỉ lệ dân số nông thôn – thành thị, còn bên phương Tây đã đạt tỉ lệ đó hàng trăm năm nay. Bây giờ dân số thành thị ở các nước phát triển là 90%, chủ yếu làm kinh tế dịch vụ trong khi Trung Quốc, VN, Thái, Inđô vẫn thiên về sản xuất công nông nghiệp.
Trong các trường phổ thông, học sinh châu Á học giỏi hơn học sinh da trắng, đến bậc đại học tạm coi là ngang nhau, nhưng đến tuổi trưởng thành thì người phương Tây vượt hơn hẳn. Nếu người Á châu sửa được tính nhút nhát, giao tiếp giỏi thì dân ta cũng không kém gì dân Tây.

QUY LUẬT VƠI ĐẦY

Quy luật vơi đầy là quy luật xa xưa như trái đất: trăng hết tròn lại khuyết, hết khuyết  lại đầy. Trăng ảnh hưởng đến thủy triều, bởi vậy có khi mực nước biển lên, khi thì nước biển xuống. Bờ biển Trà Cổ là chỗ nước lở nên nước biển cực kỳ trong. Thái Bình là một tỉnh nằm ở nơi được biển bồi đắp, đúng ra việc lấn biển của cha ông đã tạo ra cả tỉnh Thái Bình.

Dòng sông bên lở bên bồi, nhưng rồi nước chuyển dòng, lở thành bồi... Bên cạnh thiên nhiên, trong xã hội con người, người ta gọi quy luật vơi đầy là quy luật quả lắc, hay đồ thị hình sin, xuống hết đáy thì sẽ đi lên, lên cực đỉnh thì phải đi xuống.

Trong thời trang, hết quần ống loe thì sang quần ống bó; hết giày mõm nhọn thì chuyển mõm tù, rồi ngược lại. Âm nhạc cũng vậy, dù theo 2/4, 3/4 hay 4/4 thì cũng lặp đi lặp lại theo nhịp.

Ai chơi chứng khoán hoặc bất động sản thì biết liền. Chứng khoán và bất động sản bao giờ cũng lên xuống theo sóng. Vui mấy chốc, buồn tầy gang, làm sao có thể buồn hay vui mãi được. Bận rộn thì mong được rảnh rỗi, nhàn cư rồi thì tìm cách để mua vui. Vô danh tiểu tốt thì háo danh; khi đã là người được mọi người biết đến thì mới hiểu sự bực bội và phiền toái, lúc đó muốn trở lại.

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

VUA Ả RẬP

Thế giới Ả Rập gồm 22 nước có chung ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, nằm ở vùng Trung Đông, giữa ba châu lục lớn là Châu Á, Châu Âu và Châu Phi. Vì ở gần châu Âu, được "gần đèn thì rạng" nên nhiều nước Ả Rập đã có thời không đến nỗi nào. Beirut từng được coi là Paris thu nhỏ; Damacus là "hòn ngọc sa mạc", các đô thị Cairo, Bagdah, Casablanca....sầm uất và là những cái nôi của văn minh. Chìm trong các thể chế độc tài, thế giới Ả Rập đã có những bước thụt lùi một cách tương đối, ví dụ tỉ trọng mậu dịch của các nước Ả Rập so với toàn cầu chỉ bằng 1/2 so với 50 năm trước.
Do đó sẽ không có gì lạ khi nổ ra những cuộc nổi dậy của người dân chống lại giới cầm quyền áp bức và bất công. Một làn sóng như vậy diễn ra vào đầu năm 2011, mà người ta quen gọi là "Mùa xuân Ả Rập". Arab Spring đã quật đổ các chế độ độc tài ở Tuynisia, Ai Cập, Yemen và Lybia; làm rung rinh các giới cầm quyền ở Sudan, Algeria, Syria. Trước năm 2011, mọi người đã chứng kiến những biến động chính trị lớn ở Lebanon, Iraq, Somalia, đảo chính ở Mauritania và Palestin cũng thay thế nhà lãnh đạo lâu năm là Arafat. Kỳ lạ thay, các thể chế phong kiến Ả Rập thì vẫn "bình chân như vại", như không hề có sự đe dọa lật đổ ?
Hiện có 8 quốc gia Ả Rập còn duy trì chế độ phong kiến, trong đó Jordan và Morocco đã hướng theo "thế tục", còn 6 nước hợp tác vùng Vịnh (GCC) thì chế độ phong kiến vẫn giữ nguyên những đặc tính "truyền thống" mà mang nặng màu sắc tôn giáo vì nhà Vua cũng chính là một vị giáo chủ. Trước khi đi vào tìm hiểu nguyên nhân sự bền vững của 6 nhà nước phong kiến GCC, hãy thử điểm qua các triều đại ở các nước.
Oman có lẽ là quốc gia phong kiến lâu đời nhất trong số các nước vùng Vịnh, với một quá khứ huy hoàng. Tuy nhiên vị vua được coi là khai sinh là triều đại hiện hành lên ngôi vào năm 1749 là Ahmed Al Busaid. Vua hiện nay Sheikh Qaboos, (Sheikh la một danh hiệu chỉ người hoàng tộc), SN 1940 lên ngôi sao một cuộc đảo chính không đổ máu, lật đổ vua cha vào năm 1970.
Kuwait là nước thiết lập được một nhà nước phong kiến khá lâu đời, từ đầu thế kỷ 18 và dòng họ Al Sabar được coi là lập quốc vẫn còn cai trị đất nước cho đến ngày nay. Vị vua hiên nay là Sheikh Sabar Al Sabar , SN 1929, thuộc đời thứ 15, lên ngôi năm 2006. Sự kiện này có thể coi là một cuộc đảo chính vì khi vị tiền nhiệm là Saad qua đời, Sabar lúc đó là Thủ tướng đã phế truất Thái tử để nắm quyền.
Dòng họ Al Khalifa thống trị tại Baihrain vốn di cư từ Kuwait mà vị vua đầu tiên là Ahmad đã được các bà con của mình thuộc vương triều Al Sabar giúp chiếm lấy quyền lực vào năm 1783. Ngày nay, Sheikh Hamad, SN 1950, lên ngôi từ năm 1999 vẫn còn trị vì trong khi Sheikh Salman, người chỉ kém vua cha 19 tuổi là Thái tử.
Qatar vốn là một phần của Bahrain, mặc dù diện tích lớn hơn Bahrain nhưng hầu hết phủ sa mạc. Chiếm được quyền lực vào khoảng giữa thế kỷ 19, dòng họ Al Thani đã xưng vương và ly khai với cố quốc. Sau khi Hamad thoái vị vào năm 2013, Tamin, SN 1980 lên ngôi đã trở thành ông vua trẻ nhất trong số các ông vua của vùng Vịnh.
UAE là một liên bang gồm 7 tiểu vương quốc và 7 ông vua riêng, trong đó Abu Dhabi và Dubai là hai tiểu vương quốc lớn nhất chiếm trên 80% diện tích, dân số và GDP của UAE. Dòng họ Al Maktoum của vua Dubai cũng có nguồn gốc từ Abu Dhabi, đã tới định cư và phát triển Dubai vào đầu thế kỷ 19. Trước đó dòng họ Al Nahyan đã thiết lập chế đô cai trị tại Abu Dhabi vào khoảng năm 1793.
Quốc gia lớn nhất trong vùng là Saudi, được hình thành từ nhiều bộ lạc và tiểu quốc trong quá khứ. Dòng họ Al Saud đã từng làm tiểu vương từ đầu thế kỷ 18, tuy nhiên đến tận năm 1932, Abdulaziz, một thành viên của Al Saud mới thống nhất được phần lớn đất đai trên bán đảo Ả Rập, thành lập nên nhà nước Saudi.
Như vậy các triều đại Ả Rập vùng Vịnh đều có sự hình thành lâu đời, đã trở thành một phần lịch sử ở mỗi nước. Điều thú vị là các vua vùng Vịnh có những danh hiệu khác nhau như King (Saudi, Bahrain), Emir (Kuwait, Qatar), Ruler (các vua UAE) và Sultan (Oman). Trong 12 ông Vua (riêng UAE đã có 7 vị) phần lớn đã luống tuổi và đại đa số Vua và các hoàng thân quốc thích đều là những người được Tây học vì được du học từ nhỏ và sống nhiều năm ở nước ngoài. Điều đó cho thấy một sự tương phản rõ rệt, một bên là truyền thống, một bên là hiện đại trong việc điều hành các nước này. Nói rõ hơn, về bề nổi, luôn luôn đề cao bản sắc văn hóa cũ, giữ gìn biểu tượng cũ, những trong thực hành lại hướng theo những chỉ dẫn của đội ngũ cố vấn phương Tây. Đây là "công thức" tối ưu về đối nội cũng như đối ngoại.
Các nước vùng Vịnh đều có rất đông ngoại kiều sinh sống dài hạn, ít như Saudi và Bahrain cũng lên tới 30%, nhiều như UAE và Qatar là 80%, đặt ra vấn đề duy trì sự đoàn kết hài hòa trong xã hội. Với việc đề cao phong tục mang màu sắc tôn giáo thì giới ngoại kiều sẽ phải hiểu rằng họ không thể có vai trò và không nên tranh chấp chính trị gì ở đây. Nằm bên canh các quốc gia hùng mạnh hơn như Ai Cập, Iraq, Iran, các nước vùng Vịnh cần cái ô bảo hộ về quân sự của Mỹ và phương Tây, do đó một thể chế vận hành nhà nước theo mô hình hiện đại đã đáp ứng được các yêu cầu về thích nghi với dòng chảy chung của thế giới.

Một yếu tố nữa, các nước vùng Vịnh hiện có sự phát triển bền vững, cân đối về kinh tế, xã hội và môi trường, khác hẳn với các nước Ả Rập "cộng hòa" nhưng thực chất là độc tài, tham nhũng và mất lòng dân.


Tháng 4/2017

DUYÊN NỢ WENGER – MOURINHO ĐANG ĐI ĐẾN HỒI KẾT


Thuở tuổi teen, mình chỉ đủ tiền mua vé xem bóng đá ở cửa “đít gôn” của sân Hàng Đẫy. Vào sân rồi, vượt qua vài lớp hàng rào, mình ngồi tận khán đài B, oai như cóc. Khán đài B khoái hơn khán đài A vì đó là nơi các cầu thủ đi ra đi vào. Thỉnh thoảng còn nhảy vào cả trong sân. Mình thích nghe lỏm những gì chú Huấn luyện viên nói với các anh cầu thủ vào giờ nghỉ giữa hai hiệp. Chú nói thể này: khi có bóng, cả đội phải bung ra tìm chỗ trống, giống như bông hoa nở; mất bóng thì phải nhanh chóng co cụm lại. Thực ra đây là một giáo lý cơ bản trong chiến thuật bóng đá mà những nhà cầm quân nhắc đi nhắc lại: bung ra và co cụm, phản ánh hai thế trận thiên về tấn công và thiên về phòng ngự.
Nếu nói Wenger và Mourinho là hai HLV giỏi nhất hiện tại thì phải tranh cãi thế nào là “giỏi” nhưng mọi người dễ dàng đồng ý rằng họ nổi tiếng thế giới, nhưng lại có với triết lý bóng đá hoàn toàn trái ngược nhau như nước với lửa: thiên tấn công – nặng phòng ngự; cống hiến và thực dụng; người tằn tiện và ưu tiên cầu thủ trẻ, còn người kia vung tiền mua danh hiệu và chỉ ưa dùng những cầu thủ đã thành danh.
Wenger và Mourinho không hề dấu diếm là họ ghét nhau, nhưng thật ra mối tư thù giữa họ còn có lý do lịch sử.
Trước khi trở thành đối thủ của nhau Wenger và Mourinho còn khá vô danh. Wenger khỏi đầu với đội bóng nhỏ Monaco và suýt đưa đội trở thành vô địch nước Pháp, nếu không có chuyện mua bán tỉ số của đội Marceille. Sau này Marceille bị kỷ luật tước danh hiệu vô địch và đưa xuống hạng nhưng Wenger đã chán nản và bỏ sang Nhật. Mourinho cũng khởi đầu với một đội bóng tí hon Porto ở quê nhà Bồ Đào Nha nhưng đã may mắn hơn đã đưa Porto lên chức vô địch ở cả trong nước lẫn châu Âu.
Wenger đến với Premier League (PL) trước Mourinho 8 mùa bóng, trong 8 mùa đó, Arsenal vô địch 3 lần, 5 lần về nhì, còn Man Utd vô địch 5 mùa. Mỗi mùa bóng là một cuộc đua song mã đầy hào hứng giữa Arsenal và Man Utd. Khi Mourinho về nắm Chelsie năm 2003, Chelsie vô địch luôn hai mùa giải, Man Utd về nhì cả hai mùa, còn Arsenal ”ra dìa”. Đến mùa giải thứ ba, vẫn là cuộc đua big two cho đến trận áp chót, lúc đó Chelsia buộc phải thắng Arsenal để nuôi hy vọng, còn hòa hoặc thua thì chức vô địch thuộc về Man Utd. Arsenal của Arsene không còn hy vọng gì nhưng đã chơi hết sức quyết liệt, trận đấu hòa 1-1, là một lý do gián tiếp để Chelsie sa sút và Mourinho bị sa thải vào mùa giải tiếp theo.
Mùa giải năm nay là lần thứ ba Mourinho quay lại với PL với đội Man Utd. Nhưng thời thế đã khác, cả hai đội Man Utd và Arsenal đều thi đấu không thành công, hiện đang ở vị trí 5 và 6, và đang loay hoay làm sao lọt vào top 4. Có một điều trớ trêu là, PL là giải đấu hấp hẫn nhất hành tinh, còn vượt hơn Champion League (CL) về tiền thưởng và số lượng khán giả, nhưng các đội bóng đại gia lại coi top 4, vị trí được tham dự CL như một “ranh giới đỏ” của thành công và thất bại. Các ông bầu của Man Utd như Moyes và Van Gal vì không có top 4 mà mất ghế; trong khi dù bị chán ghét tham quyền cố vị nhưng Wenger đã trụ vững ở Arsenal.
Trong 6 đại gia, thực tế Chelsie đã chắc một suất, còn lại 5 ông còn lại gồm Man city, Tottenham, Liverpool, Man Utd và Arsenal, phải tranh 3 suất còn lại trong giai đoạn nước rút của giải. Như vậy xác xuất top 4 của 5 đại gia sẽ là 0.6, xác xuất để cả hai Wenger và Mourinho cùng đạt top 4 để giữ ghế là 0.6 x 0.6 =0.36, tức 36%. Mặc dù điểm số chênh lệch không nhiều nhưng phải thấy cơ hội của Man Utd và Arsenal nhỏ hơn so với các đối thủ, do đó cơ hội để Wenger và Mourinho tiếp tục là “kẻ thù” của nhau trong mùa giải tới còn nhỏ hơn 36% và hết sức mong manh.
Trận đấu gần áp chót vào 7/5 giữa Arsenal và Man Utd sẽ là trận đấu một mất một còn, trận đấu cuối cùng của hai HLV hàng đầu, trong đó có lẽ chỉ còn lại một đội lách qua he cửa hẹp một mất một còn. Cuộc chia tay sau 21 năm của Wenger sẽ đẫm nước mắt. Còn nếu một người kiêu ngạo như Mourinho mà bị trảm chỉ sau một năm thì còn đau hơn!

VUA CHÂU Á

Vừa rồi, Vua Nhật Bản Akihito sang thăm Việt Nam và đã được đón tiếp long trọng. Trong các Vua châu Á, ngoại trừ các Vua Malaysia chỉ là Vua của những tiểu bang và không có thực quyền; trong khi Brunay cũng tách ra từ Malaysia mãi sau này vào năm 1984, thì các Vua Nhật, Campuchia hay Thái Lan đều được người dân các nước này ngưỡng mộ. Đó là điều mình thấy chạnh lòng khi nghĩ về Vua nước Việt, thật vô lý và buồn khi Bảo Đại đã bị đồng bào của mình đối xử một cách bất công. Viết thế này có vẻ đã “đi ngược chiều” và chắc sẽ bị ném đá, nhưng cứ cho mình cơ hội trình bày quan điểm.
Akihito thuộc hàng con cháu của Bảo Đại (1913-1997) vì vua cha Hirohito(1901-1989) mới cùng thế hệ, hai Vua lên ngôi cùng năm 1926. Thực sự Hirohito là một tội phạm chiến tranh, người đã từng tham gia quân đội và trực tiếp chỉ đạo trong chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Sau khi chiến tranh kết thúc và nước Nhật thua, Hirohito không bị xét xử như những nhà lãnh đạo khác của Nhật, thậm chí vẫn giữ ngôi Vua, chỉ mất đi thực quyền sang cho Thủ tướng. Rõ ràng người Nhật đã bao che cho những hành động tội lỗi của Hirohito trong chiến tranh. Ông vẫn được người dân Nhật sùng bái cho đến hết đời.
Cha của Vua Campuchia và Vua Thái hiện hành mới qua đời chưa lâu, đều thuộc hàng đàn em út của Bảo Đại, đó là Xihanuk (1922-2012), lên ngôi năm 1941và Bhumibol (1927-2016), lên ngôi năm 1946. Điểm chung của cả 4 Vua là đều được chỉ định Thái tử từ tấm bé và do đó được học hành, đào tạo hết sức cầu kỳ. Con tạo xoay vẫn, số phận đã đưa đẩy các Vua, nhưng rồi Vua người ta đều có happy end, ngoại trừ Vua nước mình.
Nếu so sánh về ngoại hình, dễ dàng cho thấy Vua mình ăn đứt mấy Vua kia, Hirohito lùn, Xihanuk vừa lùn vừa béo, Bhumitol có thể coi là tướng mặt chuột (là người Thái mà viết kiểu này thì chắc lôi thôi). Trong khi đó Bảo Đại của chúng ta tướng cao lớn, mặt mũi phương phi, đầy đặn, dù mặc quốc phục hay Âu phục cũng toát ra vẻ uy nghi của Thiên tử. Ông là một nhà thể thao cự phách trong nhiều môn như Quần vợt, Đua xe, Bơi lội...Về ngoại ngữ, bên cạnh tiếng Pháp quá siêu thì chữ Hán cũng cực kỳ giỏi và rất am hiểu lịch sử. Khi trò chuyện và trong các tác phẩm, Bảo Đại thường xuyên trích dẫn các loại điển tích văn học và các thành ngữ Đông Tây.
So sánh tài năng đức độ là điều rất khó, để nhận định thì phải nhìn vào công và tội trong hoàn cảnh của lịch sử. Cũng chẳng ai muốn đánh giá Bảo Đại một cách khách quan vì truyền thông của miền Bắc và miền Nam đã xuyên tạc và bôi nhọ ông quá nhiều.
Họ bảo ông trai gái lăng nhăng, nhưng không chịu nhớ chính Bảo Đại là người xóa bỏ chế độ cung nữ phi tần hàng ngàn năm, điều mà Vua Phổ Nghi của Trung Quốc không làm được vào cùng thời gian. Không thể nói những mối tình của Bảo Đại là vụng trộm vì ông đều công khai mối quan hệ và thường sinh con, thậm chí còn được hoàng hậu Nam Phương chấp nhận (thể hiện qua thư của Nam Phương gửi các bà Phi, với những lời lẽ cao cả và lịch sự “em chăm sóc Hoàng Thượng giùm chị”, không hổ danh một bà hoàng). Mặc dù mẹ là bà Từ Cung muốn Bảo Đại lấy thêm vợ lẽ nhưng ông luôn từ chối và chỉ khi Nam Phương qua đời vào năm 1963 thì ông mới chính thức lấy vợ khác vì ông muốn giữ chế độ một vợ một chồng. Việc Bảo Đại có nhân tình có thể tạm thông cảm vào lúc ông xa vợ, đó là thời gian từ cuối 1945-đầu 1946 tại Hà Nội, thời gian ở Hongkong 1946-1949, khi về nước 1949-1955 thì Nam Phương đã sang Pháp rồi. Có tin ông có bồ từ trước năm 1945 nhưng đó chỉ là đồn đại.
Ai cũng biết Bảo Đại không có thực quyền trong phần lớn thời gian tại chức nhưng lại trách ông săn bắn và quy tội ham chơi. Không có việc làm thì đi săn để giải khuây không được sao ? Ông vẫn cố gắng làm những điều trong phạm vi có thể được, chẳng hạn xóa bỏ nghi lễ quỳ lạy lạc hậu, điều mà bên Thái vẫn duy trì.
Thật ra Bảo Đại đã có những cơ hội để có quyền lực. Năm 1945, ông đã tự nguyện thoái vị và cho rằng “thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm Vua một nước nô lệ”. Trong khoảng trống về quân sự khi Nhật thua đồng minh lúc đó, đội quân hoàng gia của ông hoàn toàn có thể đánh bại Việt Minh. Đúng ra ông đã tính đến điều đó nhưng không muốn cảnh người Việt chiến tranh giết hại lẫn nhau. Ông từ bỏ ngôi báu của dòng họ và cá nhân và nhận chức Cố vấn Chính phủ, có thể hiểu là một sự hy sinh cho đất nước. Lịch sử lặp lại vào năm 1955, khi Ngô Đình Diệm bày trò trưng cầu đân ý để phế truất, nếu sử dụng Quân đội quốc gia do Bảo Đại thành lập để chống lại thì chưa chắc đã mất ngôi Quốc trưởng. Ở đây có thể thấy quan niệm của Bảo Đại: thà là một chính khách nhu nhược còn hơn một tên bạo chúa khát máu.
Bảo Đại có những công lao rõ ràng và cụ thể. Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 đã cho Pháp đưa quân trở lại Việt Nam, và sau đó người Pháp đã liên lạc với Bảo Đại. Pháp muốn Bảo Đại tiếp tục làm Vua hoặc Quốc trưởng Việt Nam tại Bắc và Trung Kỳ là xứ bảo hộ và tự trị cũ, còn Nam kỳ giữ nguyên quy chế thuộc địa, nhưng điều kiện tiên quyết của cựu hoàng là Việt Nam phải được thống nhất, Pháp không được giữ Nam kỳ. Chính vì sự bất đồng này mà đến tận năm 1949 Bảo Đại mới về, và ông chọn Sài Gòn làm điểm trở về, đánh dấu việc Nam kỳ tái thống nhất. Trong thời gian làm Quốc trưởng, với chủ trương chọn người tài chứ không chọn người thân, ông đã tập hợp được hầu hết trí thức đương thời cho công cuộc tái thiết cả nước và tái thiết miền Nam sau này.
Đặc biệt, dù làm Vua hay Quốc trưởng, ông không bao giờ tơ hào, thu vén tiền bạc, của cải cho cá nhân để đến khi mất chức, ông lâm vào cuộc sống hết sức thiếu thốn trong thời gian ở Hongkong cũng như ở Pháp về sau.
Uy tín của Bảo Đại trong dân không dễ mất đi nhanh chóng. Vào cuộc bầu cử quốc hội tháng 1/1946, mặc dù không được đi vận động, Bảo Đại vẫn trúng cử Đại biểu quốc hội với số phiếu cao ngất ngưởng. Đến đầu thập niên 70, hai miền Nam và Bắc Việt Nam đều đưa ra phương án Chính phủ Liên hiệp để mời Bảo Đại về nước nhưng ông đã khước từ cả hai. Ông không muốn bị lợi dụng tên tuổi để làm cái bung xung.

Tuy nhiên, sau khi Xihanuk được các nước lớn dàn xếp đưa về Campuchia năm 1993 thì ông lại lên tiếng trên đài BBC rằng sẵn sàng về nước. Thời điểm đó Việt Nam còn bị cấm vận quốc tế do đánh chiếm Campuchia, mọi người hiểu rằng nếu có một chính quyền hòa giải dân tộc với sự tham gia của cựu hoàng thì lệnh cấm vận sẽ lập tức được dỡ bỏ. Nhưng một khi rút hết quân khỏi Campuchia thì Việt Nam cũng được xóa cấm vận mà không cần đến giải pháp Bảo Đại. Dù thế nào chăng nữa, một đất ước có Vua, biểu tượng của truyền thống và đoàn kết thì vẫn hơn.


Tháng 3/2017

Chiến thuật 3-4-3: THỬ NGHIỆM VÀ THÀNH CÔNG


Trong trận đấu rạng sáng hôm nay với Boro, lần đấu tiên Ars đã sử dụng chiến thuật 3-4-3 và đã giành phần thắng 2-1. Con số sít sao như vậy nhưng nếu căn cứ vào số cợ hội tạo thì lẽ ra tỉ số có thể đậm đà hơn nhiều.
Chiến thuật 3-4-3 với điểm nhấn là 3 hậu vệ đã được Van Gal đưa vào Premier League (PL) lần đầu vào mùa giải 2013-2014 cho đội Man Utd. Sau mấy trận đầu không thành công, Van Gal tiếp tiếp tục dùng chiến thuật này cho trận đấy với chính Ars và giành thắng lợi quan trọng. Sau trận, Van Gal nói, "nếu trận này thua, người ta sẽ bảo tôi điên".
Dần dà, 3-4-3 được các thuộc nhóm đại gia Big six sử dụng càng nhiều hơn. Thành công nhất có thể nói là Chelsie, khi khởi đầu mùa giải không mấy mỹ mãn, ông bầu Conte đã viện đến 3-4-3 và đã liên tục thắng liền 13 trận, và hiện đang dẫn đầu PL.
Trở lại trận đấu trước của Ars, đội đã thua liểng xiểng trước một đội yếu là Palace, có thể vì chiến thuật đơn điệu và bị bắt bài. Trong trận này, ông bầu Arsene đã có sự sắp xếp táo bạo, không chỉ một sơ đồ mới mà còn có nhân sự khác lạ, cầu thủ trẻ Holding đã vào sân hợp cùng Koscialny và Gabriel thành bộ ba hậu vệ; trong khi đó, nhận thấy Webeck và Giroud đều đang tịt ngòi, Sanchez và Ozil được đẩy lên cao, cùng với Giroud thành mũi "đinh ba". Không còn Ozil ở tuyến giữa, Xhaka và Ramsey được trao nhiệm vụ "châm banh". Sự sắp xết này đã tỏ ra hợp lý khi Xhaka là người tạo ra quả phạt ở vị trí nguy hiểm cho Sanchez lập công; còn Ramsey chính là người đã "hất ngực" nhả bóng cho quả sút thành bàn của Ozil.
Ở tuyến sau, do có Kosscialny bọc lót, Holding và Gabriel thường xuyên dâng cao án ngữ trung lộ làm cho Boro không có cửa gì ngoại trừ câu bổng vào giữa từ hai biên. Arsene nói rằng, Ars hay gặp khó khăn bởi những tình huống "direct game" như vậy mà trận đấu này cũng không ngoại lệ. Trong một quả tạt cầu may, Koscialny phá bóng hụt, tạo điều kiện cho Negredo đệm bóng vào lưới Cech. Thực ra, một khi được tăng cường tới ba trung vệ, Ars không có gì phải sợ bóng bổng nhưng do Koscialny bất cẩn và muốn phá bóng xa hơn nên thay vì dùng đầu đã tung chân phá bóng, và đá trượt!
Sau trận đấu, ban chuyên môn website chính thức của Ars đẫ đưa ra 4 cái tên: Sanchez, Ozil, Ox-Chamber và Ramsey để khán giả bầu chọn cầu thủ xuất sắt nhất, kết quả Ox đã được cao phiếu nhất. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là trong trang 24h(com.vn) thì đã chấm điểm Ox thấp nhất: 2,5/5. Chỉ có 2 cầu thủ bị điểm thấp như vậy là Ox và Moreal, có lẽ vì muốn quy trách nhiệm cho 2 cầu thủ chạy biên đã để đối phương tạt bóng vào giữa quá nhiều ?
Một câu hỏi đặt ra nữa, sao đến giờ này Arsene mới đưa chiến thuật 3-4-3 cho Arsenal, lại đúng vào lúc bị dồn vào chân tường vì đây là trận bắt buộc phải thắng để giữ hy vọng top 4. Chắc chắn, nếu Arsene thất bại trong việc thử nghiệm chiến thuật ở trận đấu sinh tử này thì người ta sẽ bảo ông điên.