Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

NGÀY MAI BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY


Hôm nay, Ban lãnh đạo Arsnal có cuộc họp quan trọng trong bối cảnh người hâm mộ giận dữ về những yếu kém trong thành tích của đội trong mấy năm qua. Tuy nhiên chiếc cup FA với hai kỷ lục, đội đoạt cup nhiều nhất (13 lần) và kỷ lục cá nhân cho Wenger (7 lần) có phần nào vớt vát vị thế cho đội. Đây là một chiến thắng thuyết phục, đội đã chơi đẹp mắt, trên chân Chelsie, đội vừa đoạt chức vô địch giải ngoại hạng Anh.
Triết lý bóng đá của Wenger rất khác, ông là môn đồ của cái đẹp chứ không phải thành tích. Đây là điều không thể nói là sai, vấn đề là nhiều cổ động viên (không phải đa số) chưa chịu hiểu.
Hình như việc đi hay ở của Wenger không phải là chủ đề chính nữa, vì có những thông tin "đánh động" cho việc ông sẽ ngồi tiếp. Vấn đề thay ngôi đổi chủ sở hữu hay không thì việc cấp bách bách giờ lại là cải tổ về thành phần nhân sự vì có đến 12 cầu thủ của đội sẽ hết hợp đồng trong vòng 12 tháng tới.
12 cầu thủ này có thể chia lại 5 loại như sau:
Cần giữ bằng mọi giá: Sanchez, Ozil. Hiện nay lương của Ozil cao nhất đội với 140k bảng/tuần, Sanchez thứ nhì với 130k. Có tin Ban lãnh đạo đã chấp nhận mức lương mới 270k cho Sanchez. Cứ xem Rodney đá có ra gì đâu mà còn được 300k nên dù trả Sanchez 300k như đòi hỏi của anh thì cũng không phải quá đáng. Có điều cơ cấu lương của Arsenal không có sự chênh lệch nhiều giữa các cầu thủ, và nhân sự thì lại đông. Nếu trả Sanchez 300k thì Ozil cũng đòi như vậy, nhưng phong độ Ozil mùa này hơi yếu, không xứng đáng. Đối với các cầu thủ khác cũng đòi tăng thì có thể giải quyết...cho ra đi.
Không đủ năng lực để đá cho Arsenal: Campbell, Sanogo, Jenkinson. Những cầu thủ này nên bán đi thu được đồng nào hay đồng ấy.
Đủ năng lực nhưng hay chấn thương: đó là Gibbs, Whilshere, như vậy dù muốn thì vẫn khó bán.
Đủ năng lực nhưng có thể thay thế: Szczesny, Ox. Mùa này Ox ít chấn thương nên chơi rất hay nhưng khi chuyển sang sơ đồ 3-4-3 thì vị trí sở trường của anh lại trùng với Bellerin cũng là một cầu thủ rất giỏi. Nếu giữ Ox thì phải bán Bellerin đi. Tương tự, ở vị trí thủ môn, Arsenal đang có tới 4 thủ môn đẳng cấp, Szczesny không hơn gì 3 thủ môn kia.
Quá đát bao gồm Cech, Carzola, Mertesaker, có thể chờ thêm 1 năm nữa để thanh lý hợp đồng.
Với tình trạng nhân sự dồi dào, thiết nghĩ Arsenal không cần mua nhiều nhưng nên chọn vài cầu thủ thuộc loại super talent nhằm mang lại niềm tin cho fan. Cầu thủ thuộc loại này có giá lên đến 100 triệu bẳng, đó không phải trở ngại đối với Arsenal vào lúc này.

QATAR KHỦNG HOẢNG, WORLD CUP CHUYỂN VỀ ÚC ?


Thế giới Ả Rập đang ở vào tháng chay tịnh Ranmadan. Đây là khoảng thời gian con người ta hướng thiện, tránh gian tà, bạo lực. Ấy vậy mà một sự kiện đã nổ ra khi một loạt nước tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, một quốc gia nhỏ 2,6 triệu dân ở vùng Vịnh, phong tỏa mọi đường tiếp vận lương thực thực phẩm bằng hàng không lẫn đường bộ. Số quốc gia nghỉ chơi với Qatar tiếp tục lên đến con số 8, trong đó có 7 nước Ả Rập hồi giáo.
Mình đã 3 lần đến với Qatar vào các năm 2001, 2005 và 2007. Chuyến đi 2001 vào lúc mới xảy ra vụ khủng bố 11/9 được hơn một tháng. Không khí căng thẳng như thời chiến bao trùm từ sân bay tới khách sạn và khắp mọi nơi tại thủ đô Doha. Doha rất thiếu taxi, để đi lại phải dựa nhiều vào taxi "cỏ" tức là xe cá nhân kiếm thêm mà không có đăng ký. Tuy nhiên vì mới qua nên mình không biết loại taxi này. Cũng may Doha hồi đó nhỏ quá, nếu cần lội bộ một lúc cũng hết thành phố.
Vào năm 2001, dân số Qatar vào khoảng 600.000, trong đó "qatari", tức người có quốc tịch Qatar chiếm khoảng 1/3. Dân số bây giờ đến 2,6 triệu, vậy người ở đâu ra ? Ờ, đó là sự gia tăng dân số cơ học, dân từ các nước tràn vào. Dân qatari giờ chỉ chiếm khoảng 10% dân số, còn lại là người ngoại quốc. Một trong những công trình lớn nhất mà nước này đang gấp rút tiến hành là việc chuẩn bị đăng cai World cup 2022.
Sau khi nổ ra khủng hoảng, ngoại trưởng Qatar đã tỏ ra "ương bướng" khi cho rằng động thái cô lập Qatar là do sự thành công và tiến bộ của nước ông, nói nôm na là do ghen ăn tức ở. Riêng khoản bé xíu mà dám qua mặt các ông anh để đăng cai World cup đã là một cái tội.
Qatar là thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), một tổ chức thành lập năm 1981 gồm 6 nước vùng Vịnh. GCC có lẽ là tổ chức liên minh duy nhất trên thế giới mà các quốc gia thành viên có sự hợp tác toàn diện, không chỉ kinh tế thương mại mà còn chính trị và quân sự. Sở dĩ làm được điều này là do GCC có sự "đoàn kết".
Đúng ra trong GCC cũng có một sự hiềm khích nhỏ do tranh chấp mấy hòn đảo giữa Qatar và Bahrain. Khối GCC giải quyết bằng cách giữ nguyên hiện trạng, điều này Bahrain có lợi, còn Qatar hơi ấm ức.
Mỗi nước cũng có những vấn đề riêng về nội bộ. Năm 1995, emir (tạm coi là tiểu vương) của Qatar là Khalifa bị đảo chính không đổ máu bởi con trai ông, Hamad. Lý do mà Hamad đưa ra vào lúc đó là Khalifa, ở tuổi ngoài 70 đã già yếu. Có lẽ cũng chung lý do, khi mới bước qua tuổi 60 vào năm 2013, Hamad đã khá nhanh nhảu nhường ngôi con con trai là Tamin, tiểu vương đương nhiệm.. Nhờ vào nguồn tài nguyên dầu lửa, quan trọng hơn là Qatar rất nhiều khí đốt, Qatar trở nên giàu có, hiện là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Nhiều tiền, Qatar đã lao vào những việc dại dột làm mất lòng những người anh em của mình. Qatar bơm cho đài truyền hình Al Jazeera trở thành một hãng truyền thông lớn nhất trong khu vực, đặc biệt lại có những luận điệu "khách quan", không cần kiêng dè ai cả. Mâu thuẫn với Saudi có thể coi là mới nhưng Qatar đã bất đồng nghiêm trọng với Ai Cập từ lâu. Mà Ai Cập là ai? Là cường quốc được nể vì nhất trong khu vực. Đến khi phe quân sự của tổng thống Ai Cập hiện nay là Sisi lật đổ chính phủ phe Anh em hồi giáo (Muslim brotherhoods) mà Qatar lại dám cả gan công khai phản đối.
Trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài, Tổng thống Trump đã ghé Saudi và trong hội nghị với 55 nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo, ông Trump đã nêu đích danh Qatar tài trợ cho khủng bố. Đến đây, Qatar không thể thoát xử trảm bởi chính những người anh em hồi giáo. Sự căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và do đó khó đoán trước điều gì sẽ xảy ra.
Hiện tại quân động Qatar được đặt trong tình trạng báo động cao nhất vì họ biết rằng, về mặt quân sự, Ai Cập hoặc Saudi có thể mang quân giải phóng Qatar bất kỳ lúc nào, như Iraq đã làm với Kuwait vào năm 1990.
Thực ra xác xuất của một hành động quân sự như vậy là nhỏ, nhưng đối với một biến cố khác thì khả năng xảy ra cao hơn nhiều, có thể coi như là chắc chắn. Đó là việc chuyển World cup 2022 ra khỏi Qatar như một quan chức Liên đoàn bóng đá FIFA đã nói, World cup không thể tổ chức ở quốc gia tài trợ khủng bố.
Nếu vậy, ai sẽ chịu hứng đây, vì moi người đều biết, đăng cai World cup hay Olympic chỉ có tiếng mà không có miếng, các quốc gia đăng cai đều bị lỗ nặng. Theo quy định của FIFA, World cup được luân phiên giữa các châu lục. Năm 2022 là của châu Á Thái bình dương. Trong khu vực này, Nhật và Hàn đã từng tổ chức nên không dự tranh quyền tổ chức, trong khi Saudi, Trung Quốc và Úc thì bị thua phiếu Qatar. Có thể đoán rằng Saudi và Trung Quốc không muốn đăng cai vì lý do chính trị và ngoại giao. Vậy chỉ còn Úc?

Hãy giữ lửa cho Children’s Festival

Mùa đông đến thật rồi. Đông năm nay dường như lạnh hơn, rặng Katoomba đã lấm tấm phủ tuyết rơi. Những lúc lạnh lẽo thế này làm mình nhớ đến cảm giác ngồi bên đống lửa bập bùng vào thời chưa có lò sưởi điện.
Children"s Festival là một tổ chức thiện nguyện với các hoạt động rộng rãi và mạnh mẽ dành cho trẻ em các sắc dân tại Úc. Xuân thu nhị kỳ, Children’s Festival làm hai sự kiện lớn vào tháng 3 và tháng 9 hằng năm tại hai địa điểm tại trung tâm Sydney và vùng ngoại ô Bankstown.
Để thấy được tầm vóc của các sự kiện này, mình chỉ đưa ra mấy con số: số lượng thiện nguyện viên lên đến trăm người, thu hút hàng trăm người trình diễn và hàng chục ngàn lượt khán giả. Mỗi sự kiện đều có sự tham dự của nhiều bộ trưởng chính phủ, bộ trưởng đối lập, nhiều nghị sĩ, dân biểu, nhiều hội đoàn của các sắc dân Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, NHật, Thái Lan, Thổ dân, Scott, Macedonia, Bulgaria, Ukrane, v.v...Thủ hiến NSW và Thủ lãnh đối lập NSW nếu không đến dự được đều có thư chào mừng.
Người sáng lập và là hạt nhân lãnh đạo của Children’s Festival là chú Thuất Nguyễn, một người di dân gốc Việt. Dưới sự hướng dẫn của chú, ban quản trị và các thiện nguyện viên với nòng cốt là người Việt, Children"s Festival đã duy trì được tròn hai mươi năm. Trong thời gian đó, đương nhiên có nhiều tổ chức khác cũng có những ý tưởng và cách làm tương tự nhưng phải nói rằng, chưa có tổ chức nào giành được nhiều thương yêu và đạt tầm vóc lớn lao như Children’s Festival.
Lễ hội của Children’s Festival thường kéo dài cả ngày với các trò chơi dân tộc đa dạng, phong phú, hoạt động của các gian hàng quảng bá cho các tổ chức và doanh nghiệp, trong khi đó một sân khấu trang hoàng để trình diễn ca múa, kịch nghệ với các nội dung đa văn hóa. Phần trọng tâm của mỗi sự kiện là diễu hành của đông đảo các hội đoàn, tiêu biểu cho hàng trăm sắc dân sống trên nước Úc. Các đoàn thể người Việt đông đảo nhất nhưng không dẫn đầu mà là đoàn của Thổ dân, với sự tôn trọng truyền thống lâu đời của nước Úc. Đoàn múa lân Việt Nam đặc sắc luôn gây sự chú ý của quan khách và đông đảo khán giả.
Một cựu du học sinh Việt Nam nói với mình: "đó là bọn cờ vàng". Nghe mà vừa buồn cười và vừa buồn... rầu. Lại một luận điệu sai trái nữa: "người Việt sang đây chẳng đóng góp được gì cho xã hội Úc" (!?).
Theo mình hiểu, có hai thứ mà người di dân nói chung và người di dân Việt Nam nói riêng có thể mang lại cho nước Úc, đó là lao động chăm chỉ và tài năng. Người Việt các thế hệ đã và đang làm Việt hết sức chăm chỉ trong mọi lĩnh vực, với sự so sánh tương đối với các sắc tộc khác. Người Việt không nề hà bất kỳ việc gì, kể cả những việc "không ngon" mọi người chê thì người Việt cũng làm. Gần đây còn có làm sóng di cư của theo diện đầu tư và kinh doanh, nhiều người Việt còn mang tiền bạc vào nước Úc. Ngoại trừ những đồng tiền tham nhũng bẩn thỉu thì đây có thể coi là thành quả của "lao động quá khứ", điều cũng hết sức đáng trân trọng và cũng là cái nước Úc cần.
Tài năng Việt cũng đã và đang được khẳng định trên khắp các tiểu bang và vùng lãnh thổ nước Úc. Đến nay đã có vô số những người gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai trở thành Luật sư, Bác sĩ, những ngành học tuyển sinh cực kỳ khó và chỉ dành cho những học sinh xuất sắc. Bên cạnh đó, nhiều người gốc Việt đã trở thành những doanh nhân tài ba, những người làm trades, là những ông chủ bà chủ của những bất động sản và cơ sở thương nghiệp lớn.
Nhưng không phải cái gì cũng "quy ra thóc". Nhiều loại đóng góp cho xã hội không thể tính bằng tiền nhưng nó còn quý giá hơn thế. Đó là những hoạt động từ thiện xã hội dân sự, những hoạt động giúp người, làm phong phú nền văn hóa và các giá trị Úc.
Thử hỏi có chương trình nào, tổ chức rộng rãi nào mà người Việt giữ vai trò chủ chốt, điều khiển các sắc dân khác không ? Có, đó là Children’s Festival.
Chú Thuất đã ở độ tuổi ngoài bẩy mươi. Chú tâm sự, theo thời gian, chú không thể làm mãi được. Tìm một người thay thế cho chú không dễ vì ngoài thời gian và nhiệt tình còn là vấn đề năng lực tổ chức. Không hiểu sao chú có thể nhớ hết hàng trăm đầu việc, nhớ đến từng người thiện nguyện viện như mình. Làm sao chú có thể có quan hệ với các cơ quan chính phủ với các nhân vật chóp bu của chính quyền. Ai đã từng làm quản trị thì biết, trả lương rồi mà sai khiến nhân viên còn khó, đằng này hàng trăm con người làm việc răm rắp không lương dưới quyền chú. Bởi vì chú đã biết tỏa sáng để mọi người hiểu được ý nghĩa cao cả việc mình làm. Chiếc huân chương OAM là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp không mệt mỏi của chú Thuất Nguyễn (huân chương không phải phải thứ ban phát dễ dàng ở Úc nên đây là một vinh dự lớn).
Úc là một rong những quốc gia mà việc làm thiện nguyên phổ biến nhất thế giới. Người dân Úc khoan dung và bác ái đã say sưa với thiện nguyện để tỏ tình yêu và trách nhiệm với đất nước. Ngọc lửa Children’s Festival là nơi cộng đồng Việt Nam có những đóng góp cụ thể và nổi bật cho xã hội đa văn hóa Úc.