Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Đọc sách: THÀNH KỲ Ý


Hôm thứ năm, mình vừa post lên mạng bài viết về Lê Thánh Tôn thì nhận được quyển sách Thành Kỳ Ý từ tay tác giả, trong đó Thánh Tôn là nhân vật chính. Thật ngạc nhiên, tác giả bộ sách đồ sộ gồm 3 quyển là một cô gái trẻ, nhà văn Lê Ngọc Linh (tức Annie Linh), hiện định cư tại Sydney.

Quyển 1 bộ sách xoay quanh 4 nhân vật con nhà Thái Tôn: Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ và Tư Thành. Bốn anh em mỗi người một vẻ, đều khôi ngô tuấn tú do 3 người mẹ sinh ra, 3 người từng lên ngôi vua (trừ Khắc Xương), 3 người bị giết chết khi tuổi còn trẻ (trừ Tư Thành). Người lớn nhất Nghi Dân và người nhỏ nhất Tư Thành có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán hơn hai người anh em kia, có lẽ do số phận của họ không trơn chu bằng phẳng ngày từ khi mới sinh ra hoặc còn rất nhỏ.

Nhân vật xuất hiện đầu tiên trong cuốn sách là cha của họ, vua Thái Tôn. Mọi người hẳn bị cuốn hút bởi cách dẫn dắt câu chuyện và cũng vì bí ẩn của một vụ án nổi tiếng trong lịch sử: Lệ Chi Viên. Thái Tôn và thị Lộ "có gì" với nhau không, nếu không thì vì sao Thái Tôn lại đột tử ? Tác giả đã khéo léo né tránh vấn đề này, để người đọc hiểu rằng câu chuyện còn rất dài.

Thành Kỳ Ý đã miêu tả cuộc sống trong cung đình, lung linh, nhiều màu sắc của 4 anh em và còn nhiều nhân vật khác như các thái hậu, mấy người thái giám, mấy cô cậu cùng trang lứa với anh em vua. Có lẽ do có quá nhiều nhân vật trong có hơn 300 trang sách nên mỗi nhân vật chỉ được giới thiệu một cách sơ sài. Bốn anh em trứng gà trứng vịt, chuyện kể từ khi 12-15 tuổi, cái tuổi còn quá nhỏ để đảm đương việc nước. Nhưng ngôi bậc cao của họ làm cho các chàng trai có những suy nghĩ già trước tuổi và cũng không tránh được chuyện bắt đầu nghĩ đến những tình cảm luyến ái.

Bộ sách chỉ đặt "chỉ tiêu" khá khiêm tốn "tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử". Rõ ràng mọi người mong muốn điều hơn thế như "tiểu thuyết lịch sử" chẳng hạn. Nhìn sang sử Tàu, rõ ràng các nhân vật của họ đều có những tính cách sắc cạnh, đầy mâu thuẫn và tạo dấu ấn mạnh mẽ. Trong Tam quốc chí, Lưu Bị là người tốt hay xấu? Tào Tháo đầy dẫy xấu xa song không hẳn hoàn toàn đáng ghét.... Trong khi đó, các nhân vật của chúng ta dường như có tính cách khá giống nhau: Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ đều là võ tướng, đều anh hùng, đều đánh giặc ngoại xâm. Thực tế hiện nay cho thấy những điều ghi trong sách giáo khoa ở trong nước chưa chắc đã đúng, chưa được tin cậy, thậm chí còn bị nhạo báng. Đó là bối cảnh rất khó khăn khi viết sách về lịch sử.

Mình đọc lỏm sách lịch sử của các cháu, học sinh bên Úc học sử nghĩa là thinking, looking và cho những bài học (lessons). Như vậy, lịch sử không nhằm ca tụng hay vùi dập các nhân vật, theo kiểu his-tory hay her-story. Ở hải ngoại, các sách viết về lịch sử Việt Nam có cách tiếp cập khác với trong nước. Sự khác biệt không đáng sợ, trái lại còn là điều tốt để có thêm nhiều chứng cứ lịch sử, kể cả những chứng cứ từ nguồn gốc bằng các thứ tiếng khác nhau: Việt, Hán, Pháp, Anh...cho những cơ hội suy đoán, nhận định.

Tập 2 và 3 của bộ sách Thành Kỳ Ý sẽ là những trang sử đầy gay cấn, khốc liệt nhưng cũng không kém phần ướt át, lãng mạn. Mình chưa rõ tác giả Annie Linh sẽ viết những gì nhưng chỉ mong cô hãy gây dựng cho các nhân vật có những phẩm chất phong phú đa dạng, đa chiều và như thế mới thực hơn, đời hơn và trong tương lai, khi bộ sách được dựng thành phim thì chúng ta sẽ có bộ phim sống động hấp dẫn về một trang sử nước nhà.

MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ LÊ THÁNH TÔN


Không rõ dựa trên tiêu chí nào mà sách giáo khoa lịch sử trong nước đánh giá đời vua Lê Thánh Tôn là thời gian cường thịnh nhất trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Bên Tàu, đời Đường Huyền Tôn là cường thịnh nhất vì đó là giai đoạn Trung Quốc có biên giới lãnh thổ rộng lớn nhất. Nếu theo khía cạnh này thì đời Minh Mệnh mới là đỉnh cao, sau khi Gia Long thốngnhất sơn hà thì Minh Mệnh còn tiếp tuc mở rộng thêm đất đai. Còn nếu coi cuộc sống ấm no, sung túc là quan trọng nhất thì nó lại phải rơi vào đời Lê Thái Tổ, Lê Thái Tôn là ông và bố của Thánh Tôn. Theo đó:
- Đời vua Thái Tổ Thái Tôn
Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn.

Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Khi lên ngôi, ông bị một số sử gia chê trách là đã bạc đãi các công thần, những người đã "nằm gai nếm mật" (ý thơ Nguyễn Trãi) với ông trong cuộc kháng chiến 20 năm. Nhìn cách khác, thời chiến và thời bình đòi hỏi những nhân sự khác nhau, người đánh nhau giỏi chưa chắc đã xây dựng đất nước giỏi. Phải chăng nhờ chủ trương chính sách này của Thái Tổ đã đưa nước Việt trở nên phồn vinh và giàu có.

Thái Tôn lên ngôi khi còn trẻ, dần dần cũng trở nên một ông Vua đầy năng nổ và nhiệt huyết. Trong một chuyến tuần du, ông ghé thăm nhà Nguyễn Trãi ở Lệ Chi Viên, cho thấy mặc dù đã về vườn nhưng tình cảm của một công thần bậc nhất như Nguyễn Trãi với vua Lê vẫn còn nồng ấm. Đáng tiếc, Thái Tôn đột ngột chết một cách bí ẩn trong đêm tại nhà của Nguyễn Trãi. Không còn cách nào khác, Nguyễn Trãi phải chịu trách nhiệm về cái chết và bị khép vào tội xử tử. Thời sau người ta thêu dệt câu chuyện theo hướng mê tín dị đoan, chẳng hạn như con rắn nhỏ ba giọt máu...

Người con thứ ba của Thái Tôn là Bang Cơ, tức Nhân Tôn lên ngôi khi mới 2 tuổi, nên các quan phải gánh vác mọi sự vụ. Một biến cố đã xẩy ra khi con trưởng là Nghi Dân làm binh biến cướp ngôi, nhưng cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn cho đến khi bị phế truất. Các quan chọn người con thứ tư của Thái Tôn là Tư Thành lên ngôi, trở thành Thánh tôn.

Vua Thánh Tôn lên ngôi khi đã đến tuổi trưởng thành nên Vua tự thân điều hành mà không cần đến sự Nhiếp chính của các quan. Trong triều đại 37 năm (1460-1497) của ông, có 2 sự kiện đáng chú ý là Hội Tao đàn và Bộ luật Hồng Đức là những điều cần xem xét lại xem chúng có mang lại những điều tốt lành như đã tưởng hay không?

Hội Tao đàn là gồm 28 thành viên, gồm toàn những bậc học cao, hiểu rộng, với nhiều người đã từng đỗ Trạng Nguyên, bảng nhãn...Cả Hội thường ngao du trong thiên hạ, mỗi khi gặp cảnh tươi đẹp, Vua hạ lệnh dừng lại để mọi người cùng xướng vịnh, thơ phú. Trong hàng chục năm với ngần ấy con người, Hội Tao Đàn đã làm ra một đống những tác phẩm nhưng không có cái nào đạt đến trình độ vượt thời gian để mọi người nhớ đến như truyện Kiều của Nguyễn Du hay thơ Hồ Xuân Hương. Sản phẩm của Hội Tao Đàn bao gồm như Vịnh bốn mùa, Vịnh 12 tháng, thơ phú ca ngợi cảnh đẹp, ca ngợi cuộc sống "chưa có bao giờ đẹp như hôm nay" và đương nhiên không thể thiếu điều ca ngợi công ơn trời biển của Vua.

Tự Đức cũng là một ông vua hay thơ, hay chữ, nhưng ông không hề có ý định mở hội làm thơ như vậy. Hơn nữa, thời nhà Nguyễn còn có chỉ dụ nghiêm cấm sự nịnh hót dành cho Vua. Đối với mình, chỉ ăn rồi thơ thẩn, khác nào ăn và lý luận trong thời nay, đều là những việc vô ích, vô bổ và vô tích sự. Đây cũng là sự lãng phí thời gian cho những việc dân, việc nước thiết thực hơn.

Thánh Tôn cũng cải cách hành chính, trong đó có việc ban hành Bộ luật Hồng Đức. Đây là bộ luật mang tính pháp trị đầu tiên trong lịch sử, song mặt trái của nó là quá hà khắc. Theo luật, người dân luôn luôn phải sống trong cảnh nơm nớp sợ hãi vì chỉ một lỗi lầm nhỏ cũng có thể bị chém đầu. Trước đây những chuyện trong gia đình được coi là nội bộ thì với luật Hồng Đức, các mối quan hệ con cái - cha mẹ, vợ chồng, anh em, đều được đưa vào luật với những hình thức trừng phạt nghiêm khắc.

Lịch sử cũng ghi nhận những hành động được coi là vết nhơ của Lê Thánh Tôn. Sau khi lên ngôi, ông đã giết hại Lê Lăng, quan đầu triều, người đã có công lật đổ Nghi Dân để tập trung quyền lực. Ông còn giết hại Khắc Xương là người anh em duy nhất còn sống, sau khi Bang Cơ và Nghi Dân đã chết, với mục đích trừ đi một đối thủ tiềm tàng. Trong cuộc chiến với Chiêm Thành, ông đã cho giết hại 60 ngàn thường dân, một việc làm không cần thiết và đã tạo nên bao nỗi ai oán cho người dân ở đó.

Thực tế lịch sử cho thấy, chính sách cứng rắn luôn có hiệu quả ngắn hạn, tức thì nhưng không bền vững. Tần Thủy hoàng khét tiếng tàn bạo nhưng sau khi ông chết một thời gian ngắn, nhà Tần đã bị diệt vong.

Quả vậy, sau khi Thái Tôn nằm xuống chưa lâu, giặc giã nổi lên khắp nơi, vua Lê phải bỏ cả kinh thành để chạy. Mạc Đăng Dung là người có công đánh Đông dẹp Tây, đã dần dần thâu tóm hoàn toàn quyền bính vào năm 1519, chỉ chờ cơ hội cướp ngôi vua Lê. Về sau, chúa Trịnh đánh bại nhà Mạc nhưng không bao giờ chịu trả lại quyền hành cho hậu duệ nhà Lê.

Thái tử Duy Vĩ là người có tài trí và tham vọng chống lại thế lực của chúa Trịnh đã bị giết hại trước khi lên ngôi. Con trai ông, Lê Chiêu Thống đã phải mang tiếng nhục bán nước khi cầu cứu nhà Thanh, chỉ vì muốn khôi phục nhà Lê, nhưng rồi cũng thất bại

THẾ SỰ: Sự khác biệt gữa Độc lập Tự do và Ly khai chia cắt



Đầu tháng 10 này, người dân Catalonia đã đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề thành lập quốc gia Catalonia. Xứ Catalonia có 8 triệu dân, thủ phủ là thành phố Barcelona tráng lệ, có nền văn hóa lâu đời và ngôn ngữ riêng, hiện đang được hưởng quy chế tự trị những vẫn nằm trong Tây Ban nha. Cuộc bỏ phiếu đã bị chính quyền trung ương coi là bất hợp pháp và đã cho cảnh sát đi thu giữ các thùng phiếu. Mặc dù vậy, vẫn có trên 40% cử tri đi bỏ phiếu và trên 90% ủng hộ quyền độc lập của một nhà nước Catalonia mới.

Theo suy nghĩ thông thường (common sence), ý nguyện của người dân Catalonia là rõ ràng, mạnh mẽ nhưng con đường độc lập tự do vẫn còn nhiều chông gai. Tây Ban Nha nằm trong khối EU, do vậy, nếu Catalonia thành công trong việc ly khai thì sẽ xẩy ra một hiệu ứng khó lường trong các quốc gia EU và nguy hiểm cho cả việc tồn tại của khối EU vốn đang hết sức mong manh. Vì thế EU kêu gọi hai bên Tây Ban Nha và Catalonia hãy ngồi lại để đàm phán, điều ai cũng hiểu là để hoãn binh, làm dịu cơn sốt độc lập và mục đích xa hơn chắc chắn là dù có trao thêm quyền tự trị bao nhiều chăng nữa thì về danh nghĩa Catalonia vẫn phải thuộc Tây Ban Nha.

Năm 1945 là năm thành lập Liên hiệp quốc (UN) với chỉ vỏn vẹn 51 quốc gia thành viên. Đến nay UN đã có 193 thành viên. Các thành viên mới là những quốc gia mới bằng cách tách ra từ "mẫu quốc", tức từ nhà nước thực dân hoặc từ các nước đã độc lập rồi chia cắt ra, và từ những vùng đất vô chính phủ. 

Cũng vào lúc Liên hiệp quốc mới ra đời, tổ chức này đã giao quyền bảo hộ xứ Sudan cho Ai Cập và xứ Papiu NewGhine cho Úc. Về sau, Papua New Guinea và Sudan đều đã trở thành những quốc gia độc lập, thậm chí Sudan còn có sự tách ra của Nam Sudan, trở thành thành viên mới nhất của Liên hiệp quốc.

Hầu hết các quốc gia đương đại ở châu Phi và Trung Đông đều được thành lập vào thập niên 60 và 70, rồi gia nhập Liên hiệp quốc. Với sự sụp đổ của Liên bang Liên Xô, Liên bang Tiệp khắc và Liên bang Nam tư, Liên hiệp quốc lại có thêm hàng chục quốc gia mới. Tại Đông Nam Á cũng có những quốc gia non trẻ như Singapore từ 1965, Bruney từ 1984 và Đông Timore từ 1999. Có một nhà nước là một nguyện vọng, với những dân tộc đông như Palestin, Kurd...và vô số các dân tộc nhỏ hơn, nên có thể dự đoán rằng số lượng thành viên của Liện hiệp quốc sẽ tiếp tục gia tăng. 

Nhiều quốc gia đã là những nước độc lập trên thực tế nhưng chưa phải là thành viên của Liên hiệp quốc. Ví dụ đầu tiên có thể kể đến Trung Hoa Cộng hòa (Republic of China), mà thường gọi là Đài Loan. Đài Loan có dân số 24 triệu, tương đương với Úc, có nền kinh tế hùng mạnh cũng không kém gì Úc. Đài Loan có quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ với khoảng 30 nước là thành viên của hầu hết các tổ chức quốc tế, ngoại trừ UN. Người Đài hoàn toàn có thể hãnh diện với những gì thu được từ bàn tay và khối óc của họ.

Mình đang đọc bộ sách "Hồi ký Lý Quang Diệu" do một người bạn tặng. Không phải fan của ông Lý nhưng mình rất thích những tư liệu quý giá của phần viết về giai đoạn Singapore trở thành tiểu quốc độc lập khi mới có 1,8 triệu dân. Câu hỏi đặt ra là nếu không ly khai, liệu người dân Sing có đạt những thành quả huy hoàng và mức sống như hiện nay ? Có thể tự tin để trả lời rằng "khó" hoặc "không thể".

Câu hỏi khác, nếu Bắc Hàn giải phóng Nam Hàn thì Nam Hàn có đạt được những sự phát triển đất nước cân đối bền vững và cuộc sống người dân ở đây có đạt được những tiêu chí cao về cuộc sống tinh thần và vật chất như ngày nay? Chắc là cũng không.

Đoàn kết thống nhất hay Độc lập Tự do ? Tất cả những điều đó chẳng có nghĩa lý gì nếu không có Hạnh phúc.