Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

"THE BEST THING THEY COULD DO IS TO DO NOTHING"


Trong 2 bài hầu chuyện kinh tế toàn cầu và kinh doanh doanh nghiệp, bạn Viet Anh Le có hỏi rằng "góc nhìn của anh" về kinh tế Úc. Nhân đây xin bàn về kinh tế Úc trong sự so sánh với các nước khác, đại khái là vấn đề quản trị một nền kinh tế ở tầm mức quốc gia.

Quản trị một nền kinh tế có 2 khuynh hướng: kinh tế thị trường và kinh tế "định hướng". Kinh tế thị trường nghĩa là chính quyền thả nổi nền kinh tế, các doanh nhân có thể tự ý kinh doanh theo pháp luật, các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần mặc sức tự "co kéo" và đương nhiên sẽ có kẻ được người mất. Để tránh đổ vỡ và khủng hoảng, người ta chủ trương nhà nước nên can thiệp và chỉ huy nền kinh tế. Ý đồ thì tốt nhưng qua những gì xảy ra ở Zimbabwe hay Venezuela cho thấy khi cá nhân hoặc phe nhóm nhúng tay vào nền kinh tế thì sự phá phách sẽ trở nên tàn khốc.

Có nên kết hợp 2 loại hình này không ? Thực ra, không hẳn là có sự hoàn toàn cực đoan, chính phủ hoặc không làm gì hoặc làm tất cả mà chỉ là can thiệp "ít" hay "nhiều" mà thôi.

Vừa rồi cụ Thủ phó Đức Đam của Việt Nam đã nêu con số 37% cho tỉ lệ người Đức sử dụng mạng xã hội, làm cho cộng đồng mạng được một mẻ cười. Giá mà cụ đừng ham đưa ra con số cụ thể, chỉ nói chung chung thì có phải ... an toàn không. Trong thời buổi google, muốn biết "định lượng" đâu có khó, hơn nữa chỉ cần phán định tính là đã đủ lột tả bản chất vấn đề rồi.

Tổng thống Reagan từng có một câu nói nổi tiếng "Government is problem". Theo ông chủ trương, chính quyền càng ít can dự vào nền kinh tế thì càng tốt, sẽ đỡ quan liêu, nhũng nhiễu, "ăn không từ cái gì". Mô hình kinh tế Úc đã và đang tiến tới một mô hình mà chính quyền trung ương chỉ thực hiện các công việc lên quan đến ngoại giao, an ninh, quốc phòng còn các nhiệm vụ khác như thương mại, tài chính, doanh nghiệp, quan hệ lao tư, y tế, giáo dục, môi trường...đều được giao cho chính quyền tiểu bang và địa phương. Cấp liên bang của Úc vẫn còn các bộ về kinh tế (quan trọng nhất là bộ ngân khố), nhưng biên chế mỗi bộ cực nhỏ.

Một nền kinh tế thị trường, dù hùng mạnh như kinh tế Mỹ vẫn có lúc rơi vào khủng hoảng, nhưng kinh tế Úc thì không. Lý do có thể hiểu là đặc thù của Úc: lãnh thổ lớn, tài nguyên nhiều và ít dân. Tài nguyên lớn nhất và quý giá nhất của Úc là các giá trị tự do dân chủ, và chính điều này là yếu tố quan trọng để thu hút một lượng "nhiều" cash flow từ bên ngoài, qua việc đầu tư bất động sản và đầu tư kinh doanh khác, lớn nhất từ Trung Quốc. Nhưng không chỉ Úc, ngay Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ việc chuyển vốn từ Trung Quốc sang, tuy nhiên có thể thấy hiện tượng này mang tính "giai đoạn", không bền vững như Úc.

Trong trường hợp quan chức chính phủ định đoạt nhiều hoặc rất nhiều vào nền kinh tế, kinh tế sẽ bị bóp méo, mất cân đối; thông tin bị bưng bít, xuyên tạc, xuất hiện lợi ích nhóm. Quan chức nhiều quyền lực đồng nghĩa với việc người dân ít quyền, trong khi dân mới là người kinh doanh, sản xuất tạo ra của cải và là động lực để xã hội phát triển. Từ đó dẫn đến tình trạng mất lòng tin, suy đồi đạo đức và suy thoái cho nền kinh tế.

Tin tức vừa cho hay đội bóng đá Peru có thể sẽ bị tước quyền tham dự World Cup 2018 vì chính phủ Peru can thiệp vào bóng đá, trái với quy định của FIFA. Trong tương lai, các tổ chức như UN, WTO, WB, IMF... có nên đình chỉ tư cách thành viên của quốc gia có chính phủ tham gia vào hoạt động kinh tế ?

Lúc nào cũng có những thông tin cho rằng kinh tế Úc sẽ gặp khó khăn vào "sang năm", nhưng nó chưa xảy ra. Quá trình thu nhỏ bộ máy và nhân lực ăn lương ngân sách ở Úc vẫn tiếp tục, thể hiện ở khắp các cấp độ liên bang, tiểu bang và địa phương. Mình nghĩ đây là "chìa khóa" để giữ cho nền kinh tế được lành mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn nhận xét